78 Độ Minh Triết – Sự Thuần Khiết Và Sự Tự Do

78 Độ Minh Triết – Sự Thuần Khiết Và Sự Tự Do

Seventy Eight Degrees of Wisdom

Rachel Pollack

(Dịch: Pansy88)

CHƯƠNG I: THẾ BÀI BỐN LÁ

SỰ THUẦN KHIẾT VÀ SỰ TỰ DO

Quay lại mục lục

Sự Thuần Khiết và Sự Tự Do

Lá The Fool dạy chúng ta rằng cuộc sống đơn giản chỉ là những vũ điệu liên tục của trải nghiệm. Nhưng hầu hết chúng ta thậm chí không thể duy trì dù chỉ một khoảnh khắc nhỏ nhoi của sự tự nhiên và tự do ấy. Căn cứ vào sự sợ hãi, những điều kiện và đơn giản là những vấn đề rất thực tế của cuộc sống thường nhật, chúng ta cần thiết phải cho phép bản ngã tách chúng ta khỏi trải nghiệm. Tuy nhiên sâu bên trong chúng ta có thể cảm nhận, mờ nhạt thôi, triển vọng của sự tự do, và do đó ta có thể coi cảm giác mơ hồ này là sự mất mát, một cú “rơi” khỏi sự thuần khiết. Tuy nhiên, một khi đã mất sự thuần khiết này, chúng ta không thể chỉ đơn giản là trèo lên lại cấp độ của lá The Fool. Thay vào đó, ta phải đấu tranh và học hỏi, thông qua sự trưởng thành, tự khám phá và nhận thức tinh thần, cho đến khi chúng ta chạm được đến cái tự do vĩ đại của lá The World.

Lá The Magician đại diện cho chủ động, lá The High Priestess đại diện cho bị động, lá The Magician là tính nam, lá The High Priestess là tính nữ, lá The Magician là sự ý thức, lá The High Prietess là sự vô thức.

Chúng ta không nên hiểu “ý thức” là sự nhận thức cao của lá The World, mà là ý thức mạnh mẽ nhưng giới hạn của bản ngã khi nó tạo nên một vũ trụ bên ngoài những đường biên và thể thức. Sự mô tả này không có ý chê bai hay giảm nhẹ sức mạnh sáng tạo của lá The Magician. Có sự sáng tạo nào vĩ đại hơn để có thể tạo hình dáng cho sự hỗn độn của trải nghiệm? Đó là The Magician, người mang cho cuộc sống ý nghĩa và mục đích của nó. Những người chữa trị, những nghệ sĩ và những nhà huyền học đều tập trung vào lá The Magician như người bảo trợ cho họ. Do đó, quyền năng của anh ta đại diện cho một sự chia tách khỏi sự tự do của lá The Fool lhoặc sự thấu hiểu của của lá The World.

Cũng theo cách đó, lá The High Priestess thể hiện, trong sự vô thức của nàng, một trạng thái sâu thẳm của nhận thức trực giác. Tuy nhiên, những kiến thức bên trong của nàng không thuộc về trung tâm chói sáng của hư vô, cái trung tâm cho phép lá The Fool hành động tự do như thế.

Lá The High Priestess đại diện cho nguyên mẫu của chân lý bên trong, nhưng vì chân lý là vô thức, không thể diễn đạt được, nàng chỉ có thể duy trì nó thông qua sự bị động tuyệt đối. Trạng thái này tự thể hiện chính nó trong cuộc sống theo vô vàn cách thức. Tất cả chúng ta đều mang trong mình một cảm giác mơ hồ về việc ta là ai, về một cái tôi xác thực mà người khác không bao giờ thấy và không thể giải thích. Nhưng những người phụ nữ và đàn ông quăng mình vào những cạnh tranh, công danh, trách nhiệm mà không dành thời gian tương đương để phát triển sự tự thấu hiểu thì thường một lúc nào đó sẽ phát hiện ra rằng họ đã đánh mất cảm giác họ là ai và họ từng muốn gì trong đời. Và nay, trái ngược trực tiếp với những người này là những người tu hành rút mình khỏi thế giới bởi một sự dính dáng nhỏ nhất cũng sẽ khiến họ mất tập trung thiền định.

Cả hai lá The Magician và The High Priestess đều mang tính thuần khiết nguyên mẫu. Theo một hướng, chúng không đánh mất sự tỏa sáng của lá The Fool mà chỉ đơn giản là phân chia thành ánh sáng và bóng tối. Trong sự phân chia truyền thống của tôn giáo phương Tây và phương Đông thì lá The Magician đại diện cho phương Tây với sự nhấn mạnh của nó lên hành động và sự bảo vệ mang tính lịch sử, lá The High Priestess đại diện phương Đông, cách thức phân tách khỏi thế giới và thời gian. Tuy nhiên những ai đào sâu và cả hai truyền thống này sẽ kết hợp những yếu tố lại với nhau.

The High Priestess ngồi giữa hai cây cột ánh sáng và bóng tối. Mặc dù chính nàng đã là biểu tượng của phần bóng tối thụ động nhưng trực giác của nàng có thể tìm thấy sự cân bằng giữa hai bên. Việc này không mâu thuẫn như nó có vẻ. Nếu chúng ta cảm nhận cuộc đời mình được lấp đầy bởi những mặt đối lập mà ta vốn không thể giải quyết, chúng ta có thể phản ứng theo một trong hai cách. Chúng ta có thể lùi lại hoặc tiến lên, đi từ cực này sang cực khác, hoặc có thể hoàn toàn chẳng làm gì cả. Hãy ngồi ở giữa, không bị cám dỗ theo hướng nào, nhưng hãy thụ động, cho phép những mặt đối lập đi quanh bạn. Tất nhiên, trừ phi đây cũng là một lựa chọn nếu không cuối cùng ta cũng đơn giản là đánh mất sự cân bằng cùng những hiểu biết bên trong ấy bởi vì cuộc sống vẫn tiếp tục quay quanh chúng ta.

Trong biểu tượng Qabalah, lá The High Priestess đại diện cho Trục Hài Hòa (Piller of Harmony), một sức mạnh điều hòa sự đối lập của Những Trục Cảm Thông (Pillars of Mercy) và Sự Phán Xét (Judgement). Do đó nàng ngồi giữa hai cây cột của đền thờ. Nhưng nếu không có khả năng hòa hợp với sức mạng chủ động của lá The Magician, cảm giác của High Priestess về sự hòa hợp sẽ bị quét đi.  

Là những nguyên mẫu, lá The Magician và The High Priestess không thể tồn tại trong cuộc sống của chúng ta thêm nữa, cũng như lá The Fool. Hiển nhiên, chúng ta trộn lẫn những yếu tố này (hơn là hòa hợp chúng) và từ đó trải nghiệm dạng thấp hơn của chúng, kiểu như những hành động lộn xộn, hoặc là sự bất an và tội lỗi làm tăng tính thụ động. Nói một cách khác, sự thuần khiết của hai cực đã mất bởi cuộc sống đã xáo trộn chúng với nhau.  

Mục đích của bộ Ẩn Chính có hai phần. Trước nhất, bằng cách phân tách các yếu tố của cuộc sống chúng ta thành các nguyên mẫu, nó khiến ta có thể nhìn chúng ở dạng thuần nhất, như những khía cạnh của chân lý tinh thần. Thứ hai, nó giúp chúng ta thực sự giải quyết các yếu tố khác nhau, dẫn ta đi từng bước qua những tầng nấc khác nhau của cuộc sống cho đến khi mang chúng ta đến sự thống nhất. Trong thực tế, có lẽ sự thuần khiết biểu hiện bởi lá The Fool không bao giờ tồn tại. Bằng cách nào đó ta trải nghiệm được cái gì đấy đã mất đi. Bộ Ẩn Chính nói cho ta biết làm thế nào để mang nó quay trở lại.

Sách được dịch và chia sẻ bởi Pansy88. Khi trích dẫn bài dịch này qua nguồn khác xin vui lòng liên hệ qua email: pansy882004@gmail.com

Rate this post

Share this post


Call Now Button