78 Độ Minh Triết – Sự Tiên Tri

78 Độ Minh Triết – Sự Tiên Tri

Seventy Eight Degrees of Wisdom

Rachel Pollack

(Dịch: Pansy88)

SỰ TIÊN TRI

Quay lại mục lục

Sự Tiên Tri

Ngày này, hầu hết mọi người đều xem Tarot như một công cụ tiên đoán, hoặc “tiên tri”. Lạ một điều là chúng ta biết về khía cạnh này ít hơn các khía cạnh khác của những lá bài. Xét sự thiếu thốn những tài liệu lịch sử về tiên tri so với bài bạc thì sẽ thấy cách dùng này không phổ biến cho đến một thời gian sau khi những lá bài được giới thiệu. Có thể là người La Mã hoặc những “gypsy” đã biết đến trò chơi Tarocchi trên con đường du hành của mình ở Châu Âu và quyết định dùng những lá bài này để đoán chuyện tương lai. Hoặc một vài cá nhân đã phát triển ý tưởng này (những tài liệu được ghi chép sớm nhất là từ những bản dịch cá nhân, mặc dù chúng có thể được rút ra từ những hệ thống cổ hơn, không chỉ là ghi chép lại mà còn cho những mục đích sử dụng chung) và người La Mã đã lấy được chúng. Người ta từng tin rằng chính người La Mã đã mang những lá bài về từ Ai Cập. Sự thật là người La Mã gần như chắc chắn đến từ Ấn Độ, và họ đặt chân lên đất Tây Ban Nha đúng một trăm năm sau khi những lá bài Tarot đã được giới thiệu ở Ý và Pháp.

Trong phần này của cuốn sách, chúng tôi sẽ chỉ đề cập xem tiên tri là gì, và cái việc kỳ quặc ấy có tác dụng ra sao. Ở đây chúng tôi chỉ có thể đơn giản là quan sát thấy người ta có thể và đã từng nói về tương lai bằng mọi thứ – bộ lòng ám khói của những con thú bị xẻ thịt, hình thù của bầy chim bay ngang trời, những viên đá màu, tung đồng xu, bất cứ thứ gì. Việc này bắt nguồn từ khao khát đơn giản muốn biết trước những thứ sắp xảy ra, và huyền hoặc hơn, là sự tin tưởng nội tại rằng mọi thứ đều được kết nối với nhau, mọi thứ đều có ý nghĩa và không một thứ gì xảy ra một cách ngẫu nhiên.

Tư tưởng về tính ngẫu nhiên thực chất rất hiện đại. Nó phát triển từ một lý thuyết cứng nhắc rằng nguyên nhân và kết quả chỉ là sự liên kết hợp lý giữa hai sự kiện. Những sự kiện khác không có được sự tham gia logic này là ngẫu nhiên, tức là vô nghĩa. Tuy nhiên trước đây người ta đã nghĩ theo kiểu “những ứng nghiệm” (correspondences). Những sự kiện hay hình đồ trong lĩnh vực này ứng với hình đồ trong các lĩnh vực kia. Hình đồ các cung Hoàng đạo ứng với cuộc đời một con người. Hình đồ của những lá trà ở đáy cốc ứng với kết quả của một trận đánh. Tất cả mọi thứ đều kết nối với nhau. Tư tưởng này bắt những người tin theo nó, và cả một vài nhà khoa học gần đây, chú ý nhiều đến cách mà các sự kiện sẽ xảy ra theo chuỗi (kiểu như “gặp hạn” ấy) và bắt đầu xem xét nó một cách nghiêm túc.

Nếu chúng ta có thể dùng mọi thứ để bói, tại sao lại phải dùng Tarot?  Câu trả lời là vì những hệ thống kia sẽ nói với ta điều gì đó có giá trị tùy thuộc vào sự uyên thâm vốn có của hệ thống đó. Bởi bản thân các bức tranh của Tarot mang nhiều ý nghĩa sâu xa, những hình đồ chúng tạo ra trong quẻ bài có thể dạy chúng ta những điều lớn lao về bản thân và cuộc sống nói chung. Không may là nhiều thầy bói qua ngần ấy năm đã lờ đi những ý nghĩa sâu sắc, họ thích những công thức đơn giản hơn (“một người bí ẩn, người quyết định sẽ giúp người được bói”) vốn dễ dịch ra và nhanh chóng làm khách hàng tức anh ách.

Những ý nghĩa mang tính công thức thường mâu thuẫn và cụt lủn, không có chỉ dẫn cho việc chọn cái nào trong số chúng. Tình huống này rất đúng với bộ Ẩn Phụ vốn chiếm phần lớn bộ bài. Hầu như không có sách nào viết về Tarot đề cập đầy đủ đến chuyện này. Những nghiên cứu nghiêm túc nhất nhắc đến những ý nghĩa sâu xa của bộ Ẩn Chính cũng chẳng đoái hoài gì đến những lá bài của bộ Ẩn Phụ cả, hay chỉ đơn giản là ném vào phần sau một mớ những công thức nữa như một sự bổ sung miễn cưỡng cho những người đọc khăng khăng đòi dùng bài để bói. Thậm chí cả Waite, như đã đề cập, cũng chỉ viết công thức của riêng mình cho những bức vẽ xuất sắc của Pamela Colman Smith.

Cuốn sách này bao quát hết những tầng nghĩa nằm trong các lá bài và tính biểu tượng của chúng, và cũng sẽ xem xét cẩn thận việc áp dụng những tầng nghĩa này trong việc bói bằng Tarot. Nhiều tác giả, đáng kể nhất là Waite, đã chê tiên tri là một sự thoái hóa trong cách dùng bài. Nhưng sử dụng việc bói toán một cách đúng đắn có thể làm tăng nhận thức của chúng ta về ý nghĩa của các lá bài rất nhiều. Nghiên cứu những biểu tượng của một lá bài nhất định là một việc, thấy sự kết nối của những lá bài đó là cái gì đó khác nữa. Nhiều lần tôi đã thấy một quẻ bài đặc biệt thể hiện những ý nghĩa quan trọng không thể đọc theo cách nào khác cả.

Bói toán cũng dạy chúng ta một bài học tổng quát và một bài học quan trọng. Bằng cách cho thấy sự giải thích nào cũng là không công bằng, các quẻ bài chứng minh rằng không lá bài nào, không cách tiếp cận cuộc sống nào là tốt hay là xấu ngoại trừ xét theo bối cảnh lúc đó.

Cuối cùng, việc đọc bài cho mỗi người cơ hội để làm mới lại những cảm nhận mang tính bản năng của họ đối với chính những bức vẽ. Tất cả những biểu tượng, những nguyên mẫu, những giải nghĩa được viết trong cuốn sách này hay những cuốn khác có thể chỉ để chuẩn bị cho bạn nhìn vào một lá bài và nói “Lá bài này bảo tôi rằng…”.

Sách được dịch và chia sẻ bởi Pansy88. Khi trích dẫn bài dịch này qua nguồn khác xin vui lòng liên hệ qua email: pansy882004@gmail.com

Rate this post

Share this post


Call Now Button